Theo quy định mới, người dân chỉ được đốt pháo hoa không nổ. Trong ảnh: nhân viên quốc phòng kiểm tra hệ thống bắn pháo hoa nổ trong đêm giao thừa tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Ai được đốt pháo hoa? Pháo hoa nào thì được đốt? "Niềm vui nho nhỏ" và "ký ức tết xưa" đã trở lại?... Rất nhiều băn khoăn, thắc mắc được đặt ra xung quanh nghị định này.
Khi nào được đốt pháo hoa?
Nghị định 137 có hiệu lực từ ngày 11-1-2021 và thay thế nghị định 36/2009. Tại điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa.
Vào dịp giao thừa Tết Nguyên đán, các TP trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được đốt pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Các tỉnh còn lại được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút.
Ngày Quốc khánh, các TP trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được đốt pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút ở khu vực đền Hùng.
Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút ở TP Điện Biên Phủ...
Ngoài ra còn có các dịp được bắn pháo hoa như: kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng quyết định.
Nghị định hiện hành nêu 4 hành vi chung nhất bị nghiêm cấm, nghị định 137 đã quy định cụ thể hơn với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo.
Trong đó có nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trao đổi pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; giao pháo hoa nổ cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...
Mặc dù đã cấm đốt pháo nhưng những năm trước đây, vào dịp giao thừa vẫn xảy ra nhiều vụ đốt pháo nổ trái phép - Ảnh: V.D.
Cẩn thận kẻo... hiểu nhầm nghị định
Nghị định với nhiều điểm mới đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có rất nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, an ninh trật tự.
Đáng chú ý, có không ít người đang hiểu lầm thành sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa, "mùi thuốc pháo đã trở lại" trong dịp lễ, tết. Cùng với đó, nhiều người còn băn khoăn muốn đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật có phải đăng ký với chính quyền?
Anh Nguyễn Minh Thái (Tân Yên, Bắc Giang) thể hiện sự vui mừng khi hiểu rằng những loại pháo hoa đang bị cấm đốt sẽ được phép sử dụng sau khi nghị định có hiệu lực: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này vì thực tế có cấm thì lâu nay trong dịp tết hay đám cưới nhiều nơi người dân vẫn đốt.
Cứ cuối năm thì người dân lại mua pháo lậu để đốt tràn lan khi giao thừa. Ở quê tôi chính quyền còn đặt ra quy định mỗi gia đình trước khi chuẩn bị đám cưới phải đóng trước 2 triệu đồng để đảm bảo không đốt pháo thì được trả lại. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận "nộp phạt trước" để được đốt pháo".
Còn anh Lê Hoàng Long (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn việc cho phép người dân đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật, cưới hỏi sẽ gây ra nhiều tiêu cực đối với xã hội.
Theo anh Long, những năm gần đây người dân không được phép đốt pháo hoa nhưng vào dịp tết ở nhiều TP, vùng quê hiện tượng này vẫn diễn ra tự phát.
"Bây giờ Chính phủ cho phép người dân đốt pháo hoa với những loại nhất định hay loại nào cũng được đốt? Nếu người dân được phép đốt pháo hoa thì có thể sẽ gây nên nhiều vụ tai nạn đáng tiếc như bị thương, cháy, nổ, tiếng ồn...
Sẽ có một bộ phận người dân có suy nghĩ trong lễ cưới, tiệc sinh nhật... nhất định phải có pháo hoa để thể hiện sự sang trọng, "đẳng cấp", điều này gây lãng phí nhiều tiền bạc.
Và công tác quản lý cũng đặt ra nhiều lo ngại như muốn đốt pháo hoa thì có phải đăng ký trước với chính quyền?" - anh Long nói.
Nên quy định không gian và thời gian đốt pháo hoa
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ sự đồng tình với quy định người dân được đốt pháo hoa. Ông Quốc cho rằng pháo hoa tồn tại từ muôn đời, nên việc "đốt pháo hoa là rất bình thường".
Thời kỳ sau chiến tranh do công tác quản lý chưa tốt, kể cả về vật liệu sản xuất pháo hoa cũng như ý thức của con người, dẫn đến việc chúng ta sử dụng những chất nổ quân dụng gây ra nhiều hệ lụy nên có quy định cấm.
"Thực ra giữa văn hóa và cái ta gọi là phản văn hóa thì nó chỉ là một ranh giới, mà ranh giới này quyết định ở ý thức của con người và năng lực quản lý xã hội. Cho nên không thể vì một lý do liên quan đến ý thức của con người và năng lực quản lý xã hội ở thời điểm nào đó mà chúng ta thủ tiêu văn hóa ấy", ông Quốc phân tích.
Theo ông Quốc, thời đại nào cũng có thể xảy ra những sự cố như rất nhiều nước bị nổ kho pháo hoa hay kể cả nổ kho vũ khí cũng có thể xảy ra, nhưng người ta phải chấp nhận.
"Nếu một số người còn băn khoăn, lo lắng về những nguy cơ này thì tôi cũng rất chia sẻ, nhưng mình phải tin tưởng vào việc tăng cường quản lý xã hội và giáo dục ý thức người dân, có chế tài mạnh hơn với những vi phạm" - ông nói.
Tuy nhiên ông Quốc cũng cho rằng việc cho phép đốt pháo hoa trong các dịp lễ, sinh nhật, cưới hỏi phải đi kèm theo các điều kiện như đốt ở đâu, lúc nào, ở không gian nào, bao nhiêu phút và người đốt phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
"Các nước phát triển họ cũng đã cho phép người dân đốt pháo hoa, nên mình phải học hỏi cái hay của họ.
Trong quá trình thực hiện cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh dần để quy định này hợp lý hơn. Tôi cho rằng các cơ quan có trách nhiệm phải xây dựng những quy định kèm theo về vấn đề này, tức là chấp nhận cho người dân đốt pháo hoa khi có điều kiện đảm bảo an toàn" - ông nói.
Mua pháo ở đâu?
Đại diện C06 cũng cho biết những quy định đảm bảo an toàn khi đốt pháo hoa đã được đặt ra trong nghị định. Cụ thể người dân chỉ được mua loại pháo hoa này của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Loại pháo này chỉ Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, không bán tràn lan.
Về ý kiến cho rằng cần quy định không gian, thời gian đốt pháo hoa, tới đây C06 sẽ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc mua bán, sử dụng để người dân hiểu hơn.
Vẫn cấm tuyệt đối pháo hoa nổ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết người dân khi tổ chức sinh nhật, cưới hỏi... muốn đốt pháo hoa thì không cần đăng ký với chính quyền, chỉ cần đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi thì được phép đốt.
Trước những băn khoăn về loại pháo hoa được đốt, đại diện C06 lý giải: "Ở đây phải hiểu pháo hoa được phép đốt là loại pháo mà người dân tổ chức đám cưới hay đốt phát ra ánh sáng, có tiếng xì xì, không có thuốc nổ, chứ không phải quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ.
Pháo hoa nổ bây giờ vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính...".
Theo C06, nghị định tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa.
Bình thường tổ chức đám cưới người dân hay đốt loại pháo hoa không có tiếng nổ, chỉ phát ra ánh sáng, màu sắc, đây chính là loại pháo hoa người dân sắp tới được phép sử dụng.
Cho đốt pháo hoa không nổ cũng phải quản chặt
Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho rằng việc đốt pháo trong những ngày tết, lễ hội... là một phong tục, tập quán lâu đời của người dân, do đó việc bổ sung quy định mới cho phép người dân đốt pháo hoa là phù hợp và đảm bảo tính nhân văn.
Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như nhằm hạn chế tối đa việc kinh doanh, buôn lậu pháo hoa, Chính phủ cũng cần quy định cụ thể.
"Tôi cho rằng để nghị định này được thi hành và đảm bảo hiệu quả trên thực tiễn, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, ban hành quy chế, quy định nhằm quản lý việc sử dụng pháo hoa để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vì nguy cơ cháy.
Do đó, mặc dù pháp luật mở rộng các đối tượng, trường hợp được sử dụng pháo hoa, tuy nhiên không vì thế mà nới lỏng khâu quản lý vì pháo hoa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến người và tài sản" - luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, mặc dù trước đây có quy định cấm sử dụng pháo hoa, tuy nhiên tình trạng buôn lậu pháo vẫn diễn ra.
Do đó khi bỏ quy định cấm, cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh pháo hoa phải đủ điều kiện cấp phép theo quy định, trường hợp nhập lậu hoặc không được cấp phép phải xử lý thật nghiêm.
Ngoài ra, để đồng bộ với các quy định hiện hành khi nghị định này có hiệu lực, các bộ, ban ngành cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh, hình thức xử phạt đối với việc quản lý, sử dụng pháo hoa để tránh sự chồng chéo trong các quy định pháp luật.
Luật sư Lê Trọng Minh - Đoàn luật sư Hà Nội - cho rằng người dân cần phải lưu ý rằng theo quy định, Nhà nước phân loại pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa.
Trong đó pháo hoa nổ tầm thấp và pháo hoa nổ tầm cao là các loại pháo nổ thường được Nhà nước tổ chức đốt trong các lễ hội, tết.
Còn "pháo hoa" được nghị định giải thích là sản phẩm tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.
Như vậy tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ mà thôi, không phải là các loại pháo hoa được đốt lên trời gây ra tiếng nổ. Sở dĩ có quy định này là bởi trên thực tế trong các dịp lễ, hội, cưới hỏi ở nước ta thường có các loại pháo hoa nhỏ.
Có tiếng nổ là không được
Theo luật sư Minh, việc giải thích khái niệm các loại pháo trong nghị định dễ gây hiểu nhầm và vẫn còn mâu thuẫn.
Ví dụ như khoản 1 điều 3 quy định: Pháo bao gồm "pháo nổ, pháo hoa" nhưng điểm a, khoản 1 điều 3 lại có thuật ngữ: "pháo hoa nổ tầm thấp", "pháo hoa nổ tầm cao" và điểm b lại giải thích định nghĩa về "pháo hoa".
Điều này dẫn đến những cách hiểu khác nhau nếu không nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật và trên thực tế khi công bố nghị định đã làm cho nhiều người dân hiểu nhầm rằng mình có thể được sử dụng pháo hoa nổ, trong khi tìm hiểu kỹ thì thấy các loại pháo hoa nổ mà người dân vẫn đốt chui thời gian qua vẫn bị cấm sử dụng.
Chờ hướng dẫn cụ thể
Đây là ý kiến từ một số nhà quản lý, tổ chức sự kiện, luật sư xung quanh nghị định về việc người dân được đốt pháo hoa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết vì nghị định vừa mới ban hành nên để triển khai trong thực tế, TP vẫn chờ thêm hướng dẫn cụ thể.
Không ảnh hưởng đến quản lý đốt pháo
Theo ông Nam, nghị định mới nêu những cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự sẽ được phép đốt pháo hoa trong một số dịp đặc biệt.
Tuy nhiên, người dân phải mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh và pháo hoa phải là sản phẩm tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ.
"Vậy những cơ sở nào được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa này thì cần có thêm hướng dẫn cụ thể để các địa phương nắm bắt, thực hiện đảm bảo đúng quy định" - ông Nam nêu.
Quá trình quản lý hoạt động sử dụng pháo nhiều năm qua tại TP Hải Phòng luôn được các lực lượng chức năng quan tâm, giám sát chặt chẽ nên chưa để xảy ra vấn đề nào phức tạp liên quan đến pháo nổ dù thực tế tại một số nơi vẫn còn tình trạng người dân lén lút đốt pháo chui, xác pháo còn vương lại trên đường...
Một lãnh đạo Công an TP Hải Phòng cho rằng việc cho phép người dân được đốt pháo hoa trong một số dịp đặc biệt theo như nội dung nghị định mới của Chính phủ quy định không làm ảnh hưởng đến việc quản lý đốt pháo cũng như đảm bảo an ninh trật tự mà lực lượng chức năng vẫn đang thực hiện lâu nay.
"Cá nhân tôi thấy nếu theo nghị định mới thì loại pháo hoa người dân được sử dụng hoàn toàn không gây nguy hiểm.
Tới đây, khi có hướng dẫn cụ thể những đơn vị được phép sản xuất và lưu hành pháo hoa để đáp ứng nhu cầu của người dân, có thể góp phần hạn chế được tình trạng buôn lậu pháo, người dân không còn phải lén lút dùng những loại pháo nổ đang bị cấm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đe dọa sức khỏe người dân" - vị lãnh đạo này chia sẻ.
Ủng hộ nhưng vẫn lo nhiều hơn
Bà Lê Quỳnh Thư - giám đốc Công ty tổ chức sự kiện Apex Multimedia - cho biết quy định mới về việc cho phép người dân đốt pháo hoa trong một số sự kiện như tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật... được giới chuyên môn tổ chức sự kiện rất quan tâm. Mọi người bàn tán rất nhiều, ủng hộ có nhưng lo lắng cũng không ít.
Thực tế từ trước đến nay, với các sự kiện tổ chức trong nhà, quy định về cháy nổ khá khắt khe nên ngay cả việc thắp một cây nến hay nhang thôi cũng đã khó.
Nhưng với những lễ hội, sự kiện lớn ngoài trời, khách hàng đều có tâm lý muốn đốt pháo hoa vì hiệu ứng mỗi màn trình diễn pháo hoa đem lại cho đám đông là rất lớn.
"Chúng tôi cũng từng tổ chức sự kiện ở sân vận động có màn đốt pháo hoa, sau khi vượt qua các thủ tục xin phép rất khó khăn và quá trình đốt rất hồi hộp" - bà Thư nói.
Giới tổ chức sự kiện đa số đều ủng hộ quy định mới vì các sự kiện sẽ có thêm hiệu ứng, đem thêm cảm xúc cho người tham dự lẫn khách hàng.
Kể từ khi VN chính thức kiểm soát việc đốt pháo, trong đó có pháo bông, giới tổ chức sự kiện thường sử dụng một vài hiệu ứng cho sân khấu như xịt khói, pháo sáng, đốt kim tuyến, đốt pháo xịt (dạng tia lửa)... và đề cao tính an toàn.
Cũng theo bà Thư, nếu có thêm hiệu ứng đốt pháo hoa sẽ rất hay, đặc biệt trong các sự kiện tổ chức ở sân vận động, quảng trường, lễ hội chào đón năm mới... (là những trường hợp phải xin phép). Dù thích nhưng phải thừa nhận sẽ có thêm rủi ro.
"Do đó, tôi nghĩ quy định cũng nên nói rõ hơn như cho phép đốt loại pháo hoa nào, tầm thấp ra sao, bao nhiêu trái... Quy định mới cũng cần thêm những điều kiện cam kết về tuân thủ an toàn cháy nổ" - bà Thư chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn